Đề xuất chủ xe ô tô mở tài khoản ngân hàng được cho là sẽ góp phần hạn chế tiêu cực.
Nếu chủ ô tô có tài khoản ngân hàng sẽ tiện cho việc xử phạt khi vi phạm pháp luật giao thông. Ảnh: Tạ Tôn. |
Đề xuất quy định buộc các chủ xe ô tô mở tài khoản ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông được đánh giá là một ý tưởng tốt, góp phần hạn chế tiêu cực. Bởi khi đề xuất này thành hiện thực, CSGT chỉ phải tập trung giải quyết ùn tắc và các sự cố trên đường mà không còn phải lo lập biên bản xử phạt các hành vi vi phạm ATGT, từ đó hạn chế việc đưa nhận hối lộ, xin - cho.
Vi phạm bị trừ tiền, lái xe sẽ sợ
Tại hội nghị triển khai chương trình công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2017 của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội diễn ra mới đây, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, quá trình xử lý vi phạm, CSGT còn gặp nhiều khó khăn và chưa triệt để trong việc xử lý các phương tiện không chính chủ. Vì vậy, Đại tá Đào Thanh Hải đề xuất Cục CSGT tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an kiến nghị với Chính phủ quy định đối với người điều khiển ô tô bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng và trong tài khoản phải có một số tiền nhất định. Khi đã có tài khoản, người lái xe sẽ có ý thức hơn, vì cứ vi phạm là sẽ bị trừ tiền trong tài khoản.
Trao đổi thêm với PV, Đại tá Đào Thanh Hải khẳng định, nhiều nước trên thế giới áp dụng cho các chủ ô tô mở tài khoản ngân hàng. Việc này đã mang lại hiệu quả trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông. “Hơn nữa, việc sang tên chuyển chủ phương tiện ở nước ta hiện đang gặp khó khăn do ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế.
Vì vậy, khi bắt buộc mỗi chủ xe phải mở một tài khoản tại ngân hàng, lúc bán xe, nếu không sang tên đổi chủ, người mua đi xe vi phạm giao thông, CSGT sẽ khấu trừ tiền trong tài khoản người đứng tên đăng ký”, Đại tá Hải nói và cho biết thêm, khi việc sang tên đổi chủ được thực hiện nghiêm túc, CSGT cũng dễ dàng xác minh được chủ phương tiện nếu xảy ra tai nạn, thay vì mất nhiều thời gian như hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều tài xế cũng sẽ không dám dừng đỗ tùy tiện như hiện nay. Bởi khi lực lượng chức năng kiểm tra xử lý, kể cả không có mặt chủ phương tiện vẫn có thể chụp ảnh, gắn phiếu phạt để chủ xe biết, sau đó trừ thẳng tiền trong tài khoản.
Trung tá Huỳnh Tuấn Nam, Đội trưởng Đội Đèn chỉ huy giao thông, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, việc quy định chủ phương tiện ô tô phải có tài khoản ngân hàngsẽ khiến chủ phương tiện có trách nhiệm với phương tiện của mình, ý thức cao hơn mỗi khi tham giao thông.
Theo Đại úy Nguyễn Việt Anh, Tổ trưởng Tổ Xử lý, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, việc đăng ký xe ô tô chính chủ cũng như buộc chủ phương tiện phải mở tài khoản ngân hàng sẽ giúp CSGT nhanh chóng xác minh, xử lý vi phạm, đồng thời quản lý tốt hệ thống dữ liệu phương tiện.
Giúp hạn chế tiêu cực
Nếu luật hóa việc chủ ô tô phải có tài khoản ngân hàng thì việc xử phạt nguội sẽ có tính khả thi cao. Ảnh: Tạ Tôn. |
Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết, đề xuất quy định buộc các chủ ô tô mở tài khoản ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông là một ý tưởng tốt, đã được nghiên cứu từ lâu. “Mấy năm qua, chúng ta để các chủ phương tiện ô tô tự nguyện trong việc mở tài khoản và vẫn tiếp tục nghiên cứu. Thời điểm này nếu áp dụng bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng khi đăng ký ô tô cũng có thể được, nhưng phải tính toán toàn diện, xét tới nhiều khía cạnh vì bên cạnh những ưu điểm cũng có khá nhiều cản trở, khó khăn”, Thiếu tướng Quân nhận định.
Theo phân tích của tướng Quân, xét về khía cạnh tích cực, quy định này có một số ưu điểm nổi bật như sẽ giúp giải phóng một lượng lớn sức lao động của CSGT khi lực lượng này không phải xử phạt trên đường. Cùng với đó sẽ hạn chế tình trạng tiêu cực, xin xỏ, hay đôi co giữa người vi phạm và lực lượng CSGT xử lý vi phạm. Quy định này sẽ giúp hạn chế ùn tắc giao thông do CSGT chỉ phải tập trung giải quyết ùn tắc và các sự cố trên đường mà không phải lo xử phạt. Hơn nữa, việc xử phạt nguội qua hình ảnh lâu nay còn khó khăn do nhiều trường hợp được thông báo nhưng người vi phạm không chấp hành. Có quy định này sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn các phương tiện, nhất là trong việc xử phạt chủ xe vi phạm thông qua hệ thống giám sát tự động.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, chắc chắn nếu áp dụng quy định buộc các chủ ô tô mở tài khoản ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông sẽ phát sinh nhiều vấn đề mà quá trình thực thi cần giải quyết.
Ví dụ, một doanh nghiệp có hàng nghìn đầu xe thì có yêu cầu họ lập từng tài khoản cho mỗi xe, hay mỗi chủ doanh nghiệp chỉ cần một tài khoản? Vấn đề kết nối giữa ngân hàng với CSGT thế nào để thuận tiện cho việc xử lý vi phạm? Giải quyết vấn đề tranh chấp thế nào khi người vi phạm không chấp nhận phương án phạt nguội? “Chúng ta áp dụng với ô tô có tính đến áp dụng với xe máy? Đặc biệt, việc đầu tư lắp đặt camera thế nào cho đồng bộ, để căn cứ vào đó xác định rõ ràng lỗi của người vi phạm, biển số xe cũng như thời điểm vi phạm để người vi phạm tâm phục, khẩu phục? Hiện nay, một số nước trên thế giới đã áp dụng quy định này và thu được khoản tiền phạt lớn. Nếu chúng ta coi đây là ý tưởng khả quan thì nên có tính toán lộ trình thực hiện cho phù hợp”, tướng Quân nói.
Nhiều nước áp dụng trả tiền phạt qua thẻ Nhiều nơi trên thế giới áp dụng hình thức đóng tiền vi phạm giao thông qua tài khoản ngân hàng như: Mỹ, New Zealand, Dubai (UAE), Mumbai (Ấn Độ)… để tiết kiệm thời gian, thủ tục, thậm chí là triệt tiêu tiêu cực. Tại New Zealand, người điều khiển ô tô vi phạm Luật Giao thông có thể trả tiền phạt qua tài khoản ngân hàng. Nếu không nộp đúng hạn, vi phạm đó tự động được chuyển lên tòa án. Lúc này, người vi phạm sẽ phải trả cả án phí, tiền phạt ban đầu và có nguy cơ bị treo bằng. Còn tại Mumbai, việc này áp dụng từ đầu năm 2016 nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân và đặc biệt là hạn chế tham nhũng trong bộ máy cảnh sát cũng như phát hiện các trường hợp tái phạm. Tiền phạt vi phạm được trả bằng thẻ, qua giao dịch trực tuyến ngay tại địa điểm bị phạt hoặc trong 15 ngày đối với những người không có thẻ hoặc không mang thẻ ở thời điểm bị phát hiện vi phạm. Thành phố phát 1.000 máy quẹt thẻ cho các xe cảnh sát tuần tra. |
Theo Báo giao thông